Ứng dụng cụ thể của việc chọn nước trong Phong Thủy
Trong Phong Thủy, việc chọn nước có ý nghĩa vô cùng quan trong. Lý luận Phong Thủy cho rằng “đất tốt không thể thiếu nước”, cho nên “tìm Long, chọn đất phải kỹ lưỡng, trước tiên cần quan sát thế nước”, hãy nhìn nước trước khi nhìn núi, có núi mà không có nước thì chớ tìm đất”, nước được các thầy Phong Thủy đặc biệt xem trọng. Họ xem nước là huyết mạch của núi, muốn tìm Long thì đến nơi có núi sông bao bọc, nơi hai dòng nước hội tụ, nước giao nhau thì Long dừng lại. Do dòng nước chảy uốn lượn quanh co, lúc nhanh lúc chậm , biến hóa khôn lường, vì thế các thầy Phong Thủy cũng ví nước như Long, gọi là “Thủy Long”. Thủy Long Kinh là cuốn sách Phong Thủy chuyên bàn về mối quan hệ giữa hình thế của thủy hệ với việc chọn đất, nó đã tập hợp hơn trăm loại bố cục dòng nước lành giữ của Âm trạch và Dương trạch để cung cấp cho mọi người cùng tham khảo. Vùng đồng bằng không có sơn mạch để làm căn cứ, nên khi các thầy Phong Thủy chọn đất phải lấy nước thay cho núi, “đi đến đồng bằng chớ hỏi sơn mạch, nhìn thấy dòng nước uốn khúc quanh co thì đó là chân Long”. Thủy Long Kinh chuyên thảo luận về những điểm mấu chốt và phép tìm mạch Thủy Long.
“Nhưng nước có lớn nhỏ, xa gần, sâu cạn, không phải hễ nhìn thấy nước thì liền cho là tốt. Tiêu chuẩn để lựa chọn nước là xem xét hình thể, quan sát tính chất và phân biệt sự lành dữ của nước”. Tiêu chuẩn lựa chọn nước của thầy Phong Thủy chủ yếu dựa vào ngọn nguồn và hình thế của nước, “nước chảy đi thì sinh khí phát tán, nước tập hợp lại thì sinh khí ngưng tụ”, “nơi nước sâu dân cư giàu có bao nhiêu thì nơi nước cạn dân cư nghèo nàn bấy nhiêu, nơi nước tập trung dân cư đông đúc bao nhiêu thì nơi nước chảy đi dân cư thưa thớt bấy nhiêu”. Họ cho rằng dòng nước chảy đến phải ngoằn ngoèo, dòng nước chảy theo hướng ngang phải có thế bao quanh, dòng nước chảy đi phải uốn lượn quanh co như quyến luyến không nỡ rời, nơi dòng nước hội tụ phải trong vắt êm đềm mới được xem là tốt; còn dòng nước có thế lao thẳng, dựng đứng, chảy xiết, nước dội ngược lại rồi đổ dồn xuống thì bị xem là không tốt.
Nhận thức về nước trong lý luận Phong Thủy, ngoài việc suy xét đến mặt có lợi như tưới tiêu, ngư nghiệp, nghề làm muối, ăn uống, tắm giặt, thuyền bè đi lại, chọn nơi hiểm yếu, còn rất chú trọng đến nhận thức về lũ lụt. “Trong trời đất không có gì mềm mại hơn nước, nhưng không có một sức mạnh to lớn nào có thể thắng được nước.” (Lão Tử) Người xưa sớm nhận thức được hai tính chất cương nhu của nước, những mối tai họa do nước gây ra như lũ lụt, xói mòn, xâm thực, v.v. đã khiến cho con người đúc kết ra rất nhiều biện pháp như: lựa chọn địa điểm hợp lý và xây dựng công trình phòng ngừa nước lũ v.v. Một ví dụ khá điển hình là ở vị trí mé trong hình vòng cung của dòng sông, đất nền ở đó có nước chảy bao quanh ba phía. Hình thế này gọi là “Kim thành hoàn bão”, theo ngũ hành, Kim tượng trưng cho sự tròn trịa, Ngũ Kim sinh Thủy; Thủy cũng là sự hiểm trở, nên dòng nước bao quanh còn gọi là “Kim thành”, “Thủy thành”. Trong học thuyết Phong Thủy còn gọi nó là “Quán Đới Thủy”, “Miên Cung Thủy”, là hình thế đại cát trong thủy hình Phong Thủy, cho nên từ sông Kim Thủy trong Cố Cung, bờ hồ Quán Đới trước núi Vạn Thọ ở Di Hòa Viên của hoàng gia, cho đến hồ Phong Thủy hình bán nguyệt trước nhà dân và rất nhiều vị trí đỗ tàu thuyền, xây dựng nhà đều xuất phát từ đây rồi phát triển ra.
Bố cục sông nước như vậy sở dĩ được xem là tốt vì ngoài lợi thế gần nước, chủ yếu còn vì sự an toàn, khả năng không ngừng mở rộng và phong cảnh hữu tình của nơi ở. Từ địa lý học thủy văn hiện đại có thể biết rằng, do hạn chế bởi cấu tạo nham thạch của địa hình và lực lệch hướng do trái đất tự quay tạo ra, vì thế sông ngòi đã hình thành nên trạng thái quanh co uốn lượn, nơi khúc khuỷu sẽ có rất nhiều khuỷu sông, do vai trò quán tính của sức nước, nước sông không ngừng vỗ vào bờ sông phía lõm vào, khiến nó liên tục bị xói mòn sạt lở, còn bên bờ lồi ra thì dòng nước chảy êm đềm, phù sa không ngừng bồi đắp tạo thành đất liền, nhờ đó nơi đây vừa không chịu nạn úng lụt lại có thể mở rộng đất đai, phát triển nhà ở. Đồng thời, dòng nước chảy mang hình dáng khúc khuỷu quanh co hết sức sinh động, mang đến cho con người cảm giác đẹp mắt, ngược lại dòng nước hình vòng cung ngược bị cho là “bỏ thì tan tác ruộng vườn, ở thì nghèo nàn xơ xác”, hết sức bất lợi.
Những nhận thức về nước trong Phong Thủy học cổ đại phần lớn phù hợp với nguyên tắc khoa học, cho nên được áp dụng nhiều trong việc lựa chọn địa điểm kiến trúc ngày nay, ví dụ như có thể chọn chỗ ở bên bờ lồi ra của con sông và phải cao hơn mực nước lũ hàng năm, tránh xây nhà nơi dòng nước chảy xiết, lòng sông không ổn định, nước đọng thành ao tù, đầm lầy, v.v..
Ngoài ra, cũng phải chú ý kỹ hơn về nguồn nước và chất lượng nước. Có ba loại nguồn nước, thứ nhất là nước giếng, khi lựa chọn vị trí giếng nên xem xét đến các nguyên tố như lượng nước, chất lượng nước, đề phòng ô nhiễm, v.v.. tốt nhất nên đào giếng phía trên nguồn nước ngầm bị ô nhiễm, ở vị trí thuận tiên cho việc lấy nước. Yêu cầu địa thế tại vị trí giếng nước phải khô ráo, không dễ đọng nước, trong phạm vi 20 – 30 m không bị thẩm thấu bởi các nguồn nước ô nhiễm từ nhà vệ sinh, hố xí, chuồng gia súc, bãi rác và nước thải công nghiệp, v.v.. Thứ hai là nước suối, thường thấy ở sườn núi và chân núi. Nước suối có chất lượng nước tốt và lượng nước dồi dào, không chỉ là nguồn nước thích hợp mà còn có tác dụng làm sạch không khí và làm đẹp môi trường, cho nên xung quanh nhà có nước suối chảy từ khe núi ra là một nơi cư trú tốt. Sách Phong Thủy cũng nói: “Nước suối chảy từ khe núi tập trung trước nhà, có vị ngọt ngào, màu óng ánh, mùi thơm tho, quanh năm không khô cạn, không tràn đầy, mùa Hè mát mẻ, mùa Đông ấm áp là dòng suối tốt, chủ nhân sẽ được phú quý trường thọ”. Thứ ba là nước trên mặt đất như sông ngòi, ao hồ và nước mưa được tích trữ, v.v., tình trạng ô nhiễm của loại nước này là nghiêm trọng hơn nước giếng và nước suối, vì vậy cố gắng chọn nơi lấy nước sinh hoạt của thôn xóm ở thượng nguồn, còn điểm chứa chất thải đặt ở hạ nguồn. Nếu có điều kiện, nơi lấy nước sinh hoạt tốt nhất nên xây giếng lọc cát bên bờ sông để làm sạch nước, nâng cao mức độ tinh khiết và vệ sinh của nước.
Về mặt chất lượng nước, chúng ta có thể phán đoán bằng phương pháp đơn giản dễ thực hiện là quan sát và nếm thử, cần phải biết chắc chắn là nguồn nước sạch sẽ, trong, không màu, không hôi, vị ngọt, không có vị lạ, v.v. Nếu có điều kiện nên làm các thí nghiệm hóa sinh, kiểm tra độ cứng mềm của nước, hàm lượng khoáng chất và hàm lượng vi khuẩn, v.v. Tóm lại, việc xem xét môi trường nước cần phải chú ý ba mặt: thế nước, nguồn nước và chất lượng nước.
0 comments:
Post a Comment