Cầu thang và hành lang dẫn khí
Bố trí cầu thang
Cầu thang là phương tiện giao thông theo chiều đứng, dùng để tới được các nền, sàn ở các mức độ cao thấp khác nhau. Trong khoa phong thủy thì cầu thang có giá trị khá lớn vì nó là nơi động khí mạnh và liên tục để đưa thực khí lan tỏa đi khắp các tầng.
Phong thủy chia cầu thang thành 2 phần:
*Động khẩu
*Lai mạch.
Động khẩu được tính từ 1 đến 3 bậc đầu (đối với cầu thang máy là buồng thang tại mặt sàn). Lai mạch là phần còn lại bao gồm cả thân thang lẫn chiếu nghỉ (đối với cầu thang máy là phần không gian của buồng thang chuyển lên các tầng. Trường hợp chuyển động thẳng đứng thì động khẩu và lai mạch là một).
Trong phép bố trí cầu thang thì động khẩu quan trọng hơn lai mạch. Vì động khẩu là nơi tiếp thu khí cũng giống như cửa vào nhà, còn lai mạch là nơi dẫn khí đó lên các tầng.
Phép bố trí động khẩu:
Để đạt được gia trị phong thủy tốt cho cầu thang thì phần động khẩu phải được bố trí tại vị trí của cung có khí tốt nhất. Căn cứ vào mức độ của khí đến động khẩu mà có 3 phép bố trí như sau:
Phép tiếp mạch:
Phép này dùng cho trường hợp khí đến yếu, đi trầm, đê phục (Như những nhà bố trí cầu thang ở trong cùng, phía sau, khuất lấp, chật hẹp tà hoành...).
Vậy phần động khẩu phải dùng tối thiểu là 3 bậc, nằm tron vẹn trong cung bậc tốt, mới đủ khả năng hấp thụ cát khí chuyển đến lai mạch.
Phép thừa khí:
Phép này dùng cho trường hợp khí đến mạnh, thô ngạch, trực cấp (Như những nhà bố trí cầu thang ở phía ngoài thẳng hướng với nhà, hay gần cửa ra vào...).
Vậy phần động khẩu chỉ cần dùng một bậc nằm trong cung vị tốt là đủ thu được cát khí chuyển qua lai mạch. Lẽ dĩ nhiên càng được nhiều bậc trong cung vị tốt càng tốt, nhưng trong thực tế không phải lúc nào cũng đạt được điều đó, với những diện tích nhà chật hẹp nhiều khi chỉ cần bố trí được một bậc vào cung vị tốt đã là khó khăn rồi.
Phép khí mạch kiêm thu:
Phép này dùng cho trường hợp khí đến bình ổn, vừa phải không mạnh cũng không yếu, không quá trực cấp cũng không quá đê phục (Như những nhà bố trí cầu thang ở khoảng giữa nhà, ở ngăn thứ hai, bố trí không trực hướng với cửa...).
Vậy phần động khí khẩu chỉ cần dùng 2 bậc đặt nẳm trong cung vị tốt. Một bậc thụ khí, một bậc chuyển mạch nên mới gọi là khí mạch kiêm thu.
Phép bố trí lai mạch:
Trong phép bố trí cầu thang thì động khẩu là trọng, lai mạch là khinh. Cốt yếu nhất là động khẩu phải nằm trong cung vị tốt. Tuy nhiên nếu được cả lai mạch nằm trong cung tốt nữa thì càng tốt. Trong thực tế để lai mạch nằm ở cung vị tốt hoàn toàn là rất khó vì lai mạch của cầu thang chạy dài vì vậy nó thường nằm ở vài ba cung do đó cơ bản khi bố trí cầu thang là bố trí phần động khẩu. Nói cầu thang bố trí ở vị trí tốt hay xấu là nhà phong thủy muốn nói đến vị trí động khẩu của cầu thang và hướng của cầu thang tốt hay xấu.
Hướng của cầu thang
Hướng của cầu thang bao gồm hướng của động khẩu và hướng của lai mạch. Vậy nói hướng của cầu thang là hướng của động khẩu hay hướng của lai mạch? Đối với phong thủy luôn lấy hướng của động khẩu làm trọng hơn hướng của lai mạch. Tuy nhiên nếu lấy được cả 2 hướng đều tốt là tốt nhất.
Bố trí số bậc của cầu thang
Quan sát cây thang dùng để làm đường đi tiếp nối lên vị trí cao hơn, trong tòa nhà có nhiều tầng và khẩu độ chiều cao khác nhau, ta chỉ tính bậc thang trong thang mà thôi và cho toàn bộ căn nhà, tòa nhà... Cũng không nên câu nệ với tổng số bậc cầu thang chẳn, lẻ trong nhà. Vì nhiều nhà cầu thang không bố trí dược tại cùng một cung vị, có khi cầu thang lên mỗi tầng lại được bố trí ở một vị trí khác nhau.
Để xét số bậc của cầu thang phải căn cứ vào ngũ hành thuộc vào hình thể kiến trúc của một ngôi nhà rồi lấy vòng Trường sinh mà định số bậc.
Vòng Trường sinh:
Vòng Trường sinh là 12 sao thể hiện quy luật sinh tồn (Phát sinh, tồn tại, phát triển và chấm dứt) của vạn vật. Theo quan niệm của triết học Phương Đông thì bất kỳ một sự vật, hiện tượng nào cũng phải trải qua 12 giai đoạn sau:
1/. Trường sinh (sinh ra)
2/. Mộc dục (tắm rửa)
3/. Quan đới (phát triển)
4/. Lâm quan (trưởng thành)
5/. Đế vượng (cực thịnh)
6/. Suy (suy yếu)
7/. Bệnh (ốm đau)
8/. Tử (chết)
9/. Mộ (nhập mộ)
10/. Tuyệt (tan rã)
11/. Thai (phôi thai)
12/. Dưỡng (thai trưởng)
Định số bậc cầu thang:
Căn cứ vào hình thể kiến trúc của ngôi nhà như sau:
+Nhà hình thủy bậc thứ nhất là Trường sinh
+Nhà hình mộc bậc thứ ba là Trường sinh
+Nhà hình thổ bậc thứ năm là Trường sinh
+Nhà hình hỏa bậc thứ bảy là Trường sinh
+Nhà hình kim bậc thứ chín là Trường sinh
Bắt đầu từ bậc ra Trường sinh, theo ngũ hành của nhà tiếp tục thuận đếm mỗi bậc là 1 sao kế tiếp trong vòng Trường sinh, cứ hết 12 sao lại tiếp tục đếm một vòng mới rồi lấy số bậc rơi vào các cung Trường sinh, Quan đới, Lâm quan, Đế vượng, Mộ, Thai làm cát (tốt). Số bậc rơi vào các cung còn lại là hung.
Như vậy:
Nhà hình Thủy thì số bậc là: bậc 1, 3, 4, 5, 9, 11, 13, 15, 16, 17, 21, 23... là số bậc tốt nên dùng.
Nhà hình Mộc số bậc là: 1, 3, 5, 6, 7, 11, 13, 15, 17, 18, 19, 23, 25... là số bậc tốt nên dùng.
Nhà hình Thổ số bậc là: 1, 3, 5, 7, 8, 9, 13, 15, 17, 19, 20, 21, 25, 27... là số bậc tốt nên dùng.
Nhà hình Hỏa số bậc là: 3, 5, 7, 9, 10, 11, 15, 17, 19, 21, 22, 23, 27... là số bậc tốt nên dùng.
Nhà hình Kim số bậc là: 1, 5, 9, 11, 12, 13, 15, 17, 19, 21, 22, 23, 25... là số bậc tốt nên dùng.
Như vậy: thì không phải cứ bậc lẻ là tốt, chẵn là không tốt mà nó phải căn cứ vào từng hình thể ngũ hành của kiến trúc ngôi nhà mà định liệu. Như thế mới hợp với đạo âm dương vậy.
Ý nghĩa của số bậc tốt:
-Số bậc ra Trường sinh, Thai; chủ về phúc đức. Chọn số bậc ra 2 sao ấy người xưa gọi là chọn lấy chữ Phúc.
-Số bậc ra Quan đới: chủ về học hành, khoa cử. Chọn số bậc ra sao ấy người xưa gọi là chọn Văn tinh.
-Số bậc ra Lâm quan: chủ về phát tài, phát lộc. Chọn số bậc ra sao ấy người xưa gọi là chọn chữ Lộc.
-Số bậc ra Đế vượng: chủ về địa vị, quan chức. Chọn số bậc ra sao ấy người xưa gọi là chọn chữ Quan.
-Số bậc ra Mộ: chủ về điền địa, tăng thọ. Chọn số bậc ra sao ấy người xưa gọi là chọn chữ Thọ
Khoa học hiện đại cũng hé mở được một phần sự thần bí của khoa Phong thủy đã chứng minh được rằng sự thay đổi trạng thái của con người cũng như sự ngưng tĩnh vận động ở một nhịp độ, tiết tấu nào đó đều có thể ảnh hưởng tới sự phát triển và hình thành tính cách, nó có thể tăng cường sức khỏe, tăng trí nhớ nếu sự thay đổi hay ngưng tĩnh phù hợp. Ngược lại, nó cũng có thể giảm sức khỏe, tăng stress và đặc biệt là phát sinh một số bệnh tật nào đó. Số bậc cầu thang dừng lại ở số bao nhiêu bậc để dẫn tới sàn mỗi tầng cũng làm thay đổi trạng thái vận động và sự ngưng tĩnh của con người. Sức khỏe thay đổi, tính cách thay đổi thì những vấn đề vốn đã rất nhạy cảm của đời sống con người không thể nói rằng không có sự thay đổi theo trong một chừng mực nhất định.
Người xưa từng nói:
“Vật dĩ hung tiểu nhi vi chi
Vật dĩ cát tiểu nhi bất vi”
Dịch:
Đừng vì hung nhỏ mà làm
Đừng vì cát nhỏ mà bỏ qua
Bởi nhiều khi cái hung, cái cát nhỏ (hay ta tưởng là nhỏ) lại có sự tác động rất không nhỏ tới cuộc sống của mình. Cũng như một viên thuốc bé như bằng hạt ngô nhiều khi lại có thể đẩy lùi cả một căn bệnh hiểm nghèo. Vậy thì cái ta không biết không có nghĩa là không có, cái ta cho là nhỏ thì chưa chắc đã là nhỏ vậy.
Hành lang dẫn khí
Hành lang dẫn khí là một khoảng không để con người đi lại dịch chuyển từ phòng nọ tới phòng kia trong ngôi nhà, nó cũng là đường giao thông của thực khí đi từ hướng nhà (Cửa chính) tới các phòng khác, vì vậy nó cũng có một ý nghĩa quan trọng trong bố trí thiết kế mặt bằng kiến trúc của ngôi nhà.
Theo khoa Phong thủy học thì hành lang dẫn khí không được bố trí nằm chính giữa tạo thành một đường cắt ngang hay cắt dọc ngôi nhà, từ chuyên môn gọi là trảm tâm sát, tức là hành lang đó chia căn nhà ra làm hai khối theo chiều dọc hay theo chiều ngang, chủ về mâu thuẩn trong gia đình, vợ chồng con cái bất hòa, không lợi cho hôn nhân, chia lìa, xa cách. Đối với văn phòng công sở thì chủ về mâu thuẩn nội bộ, mất đoàn kết, tranh giành và bất ổn định về nhân sự.
Hành lang dẫn khí cũng không được tạo thành một đường chữ thập chính giữa khu nhà, sẽ chủ về ốm đau bệnh tật hay tai nạn bất ngờ, lại chủ về công việc làm ăn khó khăn, không thuận lợi và phát triển.
Hành lang dẫn khí đảm bảo là đường lưu thông cát khí nhằm đưa cát khí phân bổ đều khắp cho ngôi nhà do đó nó phải được bắt đầu tại một cung vị cát khí thích hợp. Mặt khác hành lang dẫn khí còn có ý nghĩa như một ống thu phong vì vậy một hành lang cũng không nên kéo dài quá hay một hành lang quá hẹp.
Một hành lang dẫn khí quá dài hay quá hẹp lại chạy thẳng tuột sẽ biến sinh khí thành sát khí, hay gia tăng sát khí, một hành lang như thế là không đúng với nguyên tắc của Phong thủy học. Ngoài ra hành lang dẫn khí còn yêu cầu phải thoáng đãng, sáng sủa, khí được lưu thông và không tù túng. Lại cũng không được chạy thẳng tới cửa ra vào hay cửa sổ của một phòng khác.
Nếu hành lang chạy dài và bị cụt thì phía cuối hành lang cần bố trí một cái gương để phản chiếu và kích hoạt dòng hãm khí. Tóm lại hành lang dẫn khí phải đảm bảo một số yếu tố sau:
-Bắt đầu từ một cung ra cát khí trong cửu cung khí trường của ngôi nhà.
-Có giá trị lưu thông và dẫn nhập luồng sinh khí phân bổ cho các khu vực khác nhau của ngôi nhà.
-Phải thông thoáng, sáng sủa và hợp lý. Không được quá dài, quá hẹp, tù túng tăm tối và ẩm thấp.
-Không được xuyên tâm và chia cắt ngôi nhà.
-Không được đâm xộc thẳng vào của ra vào hay cửa sổ phóng khác, cũng không được đối diện thẳng với phòng WC, cửa phòng tắm.
-Không được nằm xuyên tâm cung bản mệnh. Giả như mệnh chủ Bính Tý thì hành lang không được nằm trên trục xuyên tâm Tý – Ngọ, hay nằm trên trục xuyên tâm Nhâm – Bính; Mệnh chủ Tân Mão thì hành lang dẫn khí không được bố trí nằm trên tuyến trục chính Mão – Dậu, hay tuyến trục chính Ất – Tân. Nếu hành lang bố trí trên những trục này là phạm vào xuyên tâm bản mệnh, chủ ốm đau, tai họa, thị phi điều tiếng và gặp nhiều rủi ro.
0 comments:
Post a Comment