Bí ẩn 3 cây lạ ở khu di tích Lam Kinh
Những câu chuyện khó tin về cây ổi biết cười, cây lim tự nguyện hiến thân và chuyện tình cây đa thị nằm trong khu di tích lịch sử Lam Kinh, Thanh Hóa, đến nay vẫn là điều bí ẩn còn chưa có lời giải đáp thích đáng.
Khu di tích lịch sử Lam Kinh thuộc địa phận hai huyện Thọ Xuân và Ngọc Lặc, nằm cách thành phố Thanh Hóa hơn 50 km về phía tây bắc. Đây là quê hương và cũng là nơi an nghỉ của vị anh hùng Lê Lợi cùng các vị hoàng đế, vương hậu thời Lê Sơ. Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử dân tộc, khu phế tích Lam Kinh ngày nay được tôn tạo, tu bổ và trở thành di tích quốc gia đặc biệt. Trong khuôn viên rộng lớn của khu di tích có rất nhiều loài cây quý hiếm hàng trăm năm tuổi. Bên cạnh đó là những tích chuyện huyền bí về các loài cây kỳ lạ khiến du khách không khỏi bất ngờ.
Cây ổi cười bên lăng mộ vua Lê Thái Tổ
Nằm phía bên phải khuôn viên lăng mộ vua Lê, cây ổi dáng huyền, mang thế rồng chầu đã gần trăm năm tuổi mùa nào cũng cho quả, khi chín thơm lừng vẫn được người trông giữ mang đến dâng lên mộ vua.
Du khách sờ tay vào thân cây, tự mình kiểm chứng điều kỳ diệu xảy ra. |
Năm 2001, cây ổi được phát hiện "biết cười" lần đầu tiên. Từ đó trở đi, khi có người bất kỳ lấy ngón tay khẽ sờ nhẹ lên thân cây, những đầu lá ổi rung lên bần bật như một phản xạ gây ngạc nhiên cho những người chứng kiến. Khi cù vào gốc, tất cả lá cây đều rung rinh như cười. Hơn thế, nếu nắm tay vào một đoạn thân cây, nhắm mắt lại, đa số mọi người đều có cảm giác lâng lâng, quay cuồng đầu óc và rung lắc như bị cành cây giật đi. Nhiều người sức yếu sau khi buông tay một lúc mới hết chếnh choáng. Khi tận tay, tận mắt mục sở thị điều lạ này, nhiều người tỏ ra thích thú và cho rằng đó là do dòng từ trường nằm ngay dưới gốc cây, nhưng không ít người sợ sệt, bàng hoàng chắp tay khấn vái.
Người dân địa phương gọi đây là “Mộc tinh” bởi có lẽ do sống lâu năm nên cây cũng giống người, có linh hồn và cảm giác. Những người gắn bó lâu năm ở đây nói rằng vùng đất đặt lăng mộ vua Lê Thái Tổ là nơi hội tụ linh khí của đất trời, vô cùng thiêng liêng. Đây cũng được coi là huyệt điểm quan trọng trong khu di tích Lam Kinh nên mới có hiện tượng như vậy bởi cây ổi này chỉ ở trong lăng mới có hiện tượng "cười", còn khi chiết trồng nơi khác thì không hề có hiện tượng ấy.
77 năm sau khi được cung tiến, cây ổi gốc chết đi, các cán bộ quản lý khu di tích kịp thời chiết cành. Đến nay, cây ổi vẫn giữ được gen "cười". |
Cây ổi kỳ lạ này do ông Trần Hưng Dẫn, thôn Hành Thiện , Nam Định cung tiến năm 1933. Ông Dẫn vốn hiếm muộn con nên đã cầu tự trước mộ vua Lê Thái Tổ. Sau đó, mặc dù tuổi cao nhưng ông vẫn hạ sinh được quý tử nối dõi tông đường. Để tỏ lòng thành, ông cung tiến 4 tượng voi, 2 cây Long não và cây ổi để trồng trong khu lăng mộ. Đến nay, dòng tộc ông vẫn đang sinh sống ở Hải Phòng, mỗi đời chỉ có một người con trai (gọi là độc đinh).
Năm 2008, Bộ Khoa học Công nghệ cũng đã có đề án nghiên cứu cấp quốc gia về dòng gen của cây ổi ở Lam Kinh, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.
Cây Lim hiến thân
Cây Lim cổ thụ cao nhất nhì rừng Lam Kinh, khoảng 600 năm tuổi đang xanh tươi, khỏe mạnh bất ngờ trút hết lá ngay khi dự án phục hồi phỏng dựng Chính điện Lam Kinh được phê duyệt năm 2010. Đến khoảng nửa năm sau, khi cây chết cũng là lúc thiết kế thi công vừa hoàn thành. Người ta thoáng nghĩ đến việc hơn nửa thiên niên kỷ trước, cây Lim sinh ra là để xả thân làm nghĩa vụ phỏng dựng lại cung điện cho hậu thế.
Người ta tiến hành đo đạc và rất bất ngờ khi gốc Lim vừa khít với tiết diện kê chân cột cái ở Chính điện. Ảnh: vtc.vn |
Năm 2011, nhân dịp giỗ Bình Định Vương Lê Lợi, tỉnh Thanh Hóa đã làm lễ “phạt mộc” và phát hiện ra nhiều điều trùng khớp, ngẫu nhiên và kỳ lạ hơn nữa. Đó là thường các cây lim cổ thụ sẽ bị tiêu tâm (rỗng ruột), nhưng riêng cây lim này thì không, rất thuận lợi để làm trụ cột các tòa nhà lớn như công trình phỏng dựng Chính điện với quy mô 9 tòa nhà gỗ lim đồ sộ nhất Việt Nam.
Chưa dừng lại ở đó, sau khi gọt bỏ phần vỏ cây, người ta pha được 4 khúc gỗ lớn. Phần gốc cây làm được một cột cái, ngọn cây vừa với gương tảng cột quân, hai nhánh cây đủ làm một cột con và một thượng lương.
Với nhiều điểm trùng khớp đáng ngạc nhiên như vậy, đến nay cây Lim đang được chế tác để nhanh chóng hoàn thành hạng mục công trình trước năm du lịch quốc gia 2015 với các hoạt động diễn ra chủ yếu tại Thanh Hóa.
Chuyện tình cây Đa Thị
Những người gắn bó lâu năm với khu di tích kể lại rằng, xưa kia chỗ cây đa đang áng ngữ là một cây thị, chim chóc thường về đậu trên cành thị mang theo quả đa về ăn nên hạt rơi xuống đất mọc thành cây. Sau này, cây đa mọc lên xanh tốt, bộ rễ phụ của cây Đa Thị rất đặc biệt, không vươn ra xa như các cây đa nhiều “gốc” khác mà ôm trọn gốc thị rồi hóa thành chung một gốc. Từ gốc đến ngọn đa cao chừng 20 m, gốc cây gần chục người ôm không xuể.
Mọc lên ở giữa thành nội phía Tây Nam sân Rồng, cây Đa Thị 300 năm tuổi là nhân chứng sống của lịch sử bi hùng đất Lam Kinh. |
Cây thị sống trong lòng cây đa vẫn xanh tươi tốt lá, mỗi năm đều ra quả, tuy nhỏ, chát nhưng thơm lừng một góc trời. Đến năm 2007 cây thị già chết khô, nhưng đến nay vẫn còn một cành khô chĩa ra bên ngoài gốc đa.
Năm 2013, cây Đa Thị được Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản bởi tầm vóc, sự độc đáo và giá trị lịch sử của nó.
Về với Lam Kinh, vùng đất của địa linh nhân kiệt, được sống trong khí vị của không gian lịch sử và nghe những tích xưa, tận mắt chứng kiến chuyện lạ, lòng người như ngược về quá khứ, tưởng nhớ đến một thời dội vang của Hoàng triều Lê tộc hiển danh đã qua.
Lê Thương
0 comments:
Post a Comment